Ve sữa non, mối chúa, bổ củi… đã và đang trở thành món ăn thời thượng của nhiều người dân địa phương và du khách khi đến vùng Bảy Núi – An Giang với niềm tin sẽ “tăng cường bản lĩnh đàn ông”.
Từ lâu, khu vực bán côn trùng ở chợ biên giới Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên – An Giang đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân địa phương và du khách vì được xem là nơi cung cấp “sung dược” giúp tăng “bản lĩnh” của cánh đàn ông. Để đáp ứng nhu cầu của quý ông và không ít quý bà, nhiều loài như ve sầu, bổ củi, mối chúa… ở vùng Bảy Núi đã và đang bị săn lùng theo kiểu tận diệt.
Ve sữa non cực thịnh
Những cơn mưa đầu mùa trút xuống vùng Bảy Núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài côn trùng sinh sôi, phát triển. Không biết nghe ngóng ở đâu, vài người bạn của tôi ở TPHCM đã tìm xuống An Giang và nằng nặc đòi tôi dẫn đến các đại lý côn trùng ở chợ biên giới Tịnh Biên. “Nghe nói ở đó có nhiều hàng “độc”, công dụng hết sức tuyệt vời”- một người bạn tôi háo hức. Tôi vốn ngán những loài côn trùng kia nhưng vì chiều ý bạn nên đành dẫn họ đi.
Tôi gọi điện thoại báo trước cho một người quen là anh N.C.L, chủ một “đại lý” côn trùng thuộc loại lớn ở khu chợ biên giới Tịnh Biên. L. đón chúng tôi ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên. Trên đoạn đường gần chục cây số từ Nhà Bàn ra chợ biên giới, tiếng ve sầu kêu vang dội. L. bảo mùa mưa đến, loài ve sầu bắt đầu lột xác réo gọi mùa hè.
Khi còn nhỏ, ve chưa mọc cánh, mình tròn múp, căng đầy sữa và ẩn náu trong hang dưới lòng đất. “Ve sữa non là đặc sản đang cực thịnh ở vùng Bảy Núi đó. Con nào con nấy tròn bóng, bụng đầy sữa non, mềm và ngọt, làm món chiên giòn hay chiên bột đều hết ý, “uy lực” tăng gấp đôi, gấp ba lần bình thường” – L. “ru” khách.
Chiếc ô tô vừa đỗ trước căn nhà tường ở khúc cua 15 thuộc thị trấn Tịnh Biên, anh L. đã hối thúc người trong nhà chuẩn bị đồ nghề đi lùng ve sữa. Từ trong nhà, một thanh niên tên Duy xách vội cây cuốc và chiếc thùng đựng nước đá ra khu vườn phía sau nhà. Vừa bước vào khu vườn, chúng tôi đã nghe tiếng ve kêu inh ỏi. Duy không đến nơi có tiếng ve kêu mà tìm những gốc cây xoài, mít có bóng râm mát mẻ. “Nơi đất tơi xốp, mềm thì ve mới đào hang ẩn náu” – Duy giải thích.
Duy dùng cuốc dọn đám lá khô quanh gốc cây xoài, để lộ ra những cái hang tròn cỡ ngón tay cái rồi bổ mạnh vài nhát, bứng đất lên. Lẫn trong lớp đất xốp mềm ấy là vài chú ve mập ú, tròn múp. L. thành thục tóm lấy những chú ve non bỏ vào thùng nước đá để ướp lạnh. “Con ve này ở hang cạn là loại sắp trưởng thành nên mập hơn những con ở hang sâu.
Sau khi được nở từ ấu trùng, ve sữa sẽ đào hang ở trong lòng đất độ một tuần rồi dần dần trồi lên mặt đất. Bởi vậy, muốn tìm ve sữa thì phải xới tung lòng đất lên mới bắt được”- anh giải thích.
Nhìn mặt đất chi chít những hang ve, L. bảo phen này trúng đậm. Anh liên tục nhặt ve sữa cho vào thùng nước đá. Dường như đã quá quen thuộc với việc này, cứ 3 nhát cuốc là Duy lại lôi lên một chú ve non tròn múp.
Hơn một giờ sau, chiếc thùng đựng nước đá nặng trịch, bên trong có cả trăm con ve sữa. “Bây nhiêu đây dư sức chiên giòn, chiên bột lai rai bứt cả thùng bia. Nếu chịu khó đào xới xung quanh những gốc cây mát mẻ, có đất xốp mềm thì còn bắt được nhiều hơn nữa. Dạo này mới vào mùa nên quán xá đặt hàng ve sữa dữ lắm, có bao nhiêu họ mua hết ráo. Rồi mấy cậu xem, chén xong sẽ thấy trong người “phơi phới” ngay cho coi” – L. hào hứng.
Mối chúa: “Đệ nhất sung dược”!
Trong lúc nhóm bạn tôi đang thích thú xơi ve sữa non chiên bột, anh L. lôi ra một chiếc hũ đựng những con vật trông như con sâu to bằng ngón tay cái, toàn thân trắng múp.
Anh cho biết đó là mối chúa – “đệ nhất sung dược” trong các loài côn trùng ở vùng Bảy Núi. “Mối chúa là “thần dược” bổ dưỡng nhất của quý ông đó. Chỉ cần xơi một con mối chúa đã có thể cải thiện “chuyện ấy” ngay tức khắc” – L. quả quyết.
Theo các đại lý côn trùng ở chợ biên giới Tịnh Biên, mối chúa loại trung bình (nhỏ hơn ngón tay) dùng ngâm rượu giá 40.000 đồng/con, loại nhỏ hơn từ 15.000 đến 20.000 đồng.
Một hũ rượu ngâm 10 con mối chúa ở đây được rao bán với giá 400.000 đồng. L. cho biết anh chuyên gom hàng từ cánh thợ săn côn trùng khắp vùng Bảy Núi. “Bổ nhất là ăn mối chúa sống, “chuyện ấy” có thể nói là muốn gì được đó” – L. quả quyết.
Tại vùng Bảy Núi, ông Tư Cương ở khu núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ sơn) là một thợ săn côn trùng chuyên nghiệp với hơn 10 năm trong nghề. Ông Cương biết rõ nơi nào trong ngọn núi này có tổ mối. “Mối thường làm tổ ở chân và triền núi, ít khi trên đỉnh cao vì xa nguồn nước. Những nơi có mạch nước mát mẻ, đất xốp mềm là sẽ có tổ mối. Mỗi tổ mối có hàng ngàn con nhỏ li ti làm các nhiệm vụ kiếm mồi, xây tổ, chăm sóc, bảo vệ và cung phụng một con mối chúa. “Vua mối” chỉ có mỗi nhiệm vụ là sinh sản để duy trì nòi giống”- ông Cương tỏ ra am hiểu.
Dẫn chúng tôi men theo vạt rừng còn xanh dưới chân núi Dài Năm Giếng, ông Cương chỉ một gò mối: “Chắc chắn là có mối chúa to tướng trong đó”- ông Cương khẳng định rồi vung len đào thoăn thoắt. Khi đã chọc thủng được gò mối, ông Cương lôi ra chiếc tổ dành riêng cho mối chúa rồi dùng len chẻ đôi khối đất. Bên trong, một con mối chúa to bằng ngón tay cái đang ngọ nguậy.
Chuyến đi săn mối chúa của ông Cương còn có 3 người khách lạ. Ông Cương cho biết họ đặt hàng ông lùng mối chúa để “ăn tươi, nuốt sống” vì muốn tẩm bổ, cường dương. Từ khi xuất phát, 3 vị khách lạ đều không nói một lời, chỉ đến khi nhìn con mối chúa to tướng thì họ mới reo lên khoái trá. Ông Sơn, trạc 40 tuổi, một trong 3 người khách, thản nhiên há miệng bỏ mối chúa vào và “ực” một cái đã nuốt gọn nó vào bụng. Dừng một lát dường như để cảm nhận tác dụng của “sung dược”, ông Sơn móc bóp lấy ngay 100.000 đồng đưa cho ông Cương rồi tiếp tục cuộc săn lùng…
Mạnh như… bổ củi!
Thấy xe chúng tôi chạy chầm chậm trước sân chợ biên giới Tịnh Biên, cánh bạn hàng buôn bán côn trùng liền nhao nhao sấn đến chào mời. Một thanh niên chìa ra chiếc túi lưới đựng cả ngàn con bổ củi đang búng mình tanh tách bên trong, miệng dẻo quẹo: “Thấy sức mạnh của con bổ củi chưa? Loài côn trùng này mạnh ác lắm, là “sung dược” bổ dưỡng, làm tăng uy lực của đàn ông tức thì”.
Thấy chúng tôi chần chừ, anh ta tiếp tục “nổ” bằng một câu chuyện khẳng định công dụng của loài côn trùng này. “Có bà khách sồn sồn ở Long Xuyên ghé chợ tìm loại rượu nào có tác dụng cường dương, hồi phục sinh lực để về tẩm bổ cho chồng. Lần đó gặp tôi, tôi đưa bình rượu thuốc ngâm 50 con bổ củi, bà ta còn mua thêm 50 con rang sẵn về ngâm chung. Mấy tháng sau ghé lại chợ, bà ấy đã gom toàn bộ số bổ củi của những người bán ở đây về để chia cho phụ nữ cả xóm. Bà ta khoe đám phụ nữ gần nhà khi nghe bà tiết lộ đã nhao nhao nhờ mua giúp bổ củi về ngâm rượu để dành cho chồng dùng”.
Nguồn: https://thegioicontrung.info/?thamso=chitiet_tintuc&id=257#ixzz5UuGvojD7