1. Con mối là gì?
Theo wikipedia: “con mối có tên khoa học chính xác là Isoptera, là một nhóm côn trùng, có họ hàng gần với gián. Chúng là loài côn trùng có tính xã hội cao, thành lập vương quốc sớm nhất trên trái đất”. Đặc biệt, mối thường bị nhầm lẫn với kiến và mọt gỗ do chúng không phải là loài côn trùng phổ biến và có hình dạng tương đối giống nhau.
2. Các loài mối tại Việt Nam
Việt Nam có khoảng 200 loài mối, song 90% mối phá hoại nhà cửa là do loài mối gỗ ẩm (Coptotermes formosanus) gây ra. Mối gỗ ẩm hay còn gọi là mối nhà có tổ chính nằm sâu dưới lòng đất, các tổ phụ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong ngôi nhà. Đó có thể là ruột panel, đường ống kỹ thuật hay các lỗ, hốc xây dựng để lại…
3. Mùa mối hoạt động
Con mối giống như các loài côn trùng khác “theo gió mà tới và theo nhiệt độ mà phát triển”. Mùa con mối hoạt động bắt đầu từ đầu tháng 3 đến hết tháng 8 âm lịch. Đây là thời điểm thuận lợi để mối phát triển do có nhiệt độ cao, mưa nhiều. Vì thế tính chất và sức phá hoại của mối vào thời điểm này là cực kỳ ghê gớm.
4. Tổ mối
Trong xây dựng, con mối là bậc thầy của các bậc thầy về thiết kế. Khác với tổ ong và kiến, tổ mối nên được gọi là lãnh địa, một vương quốc thì đúng hơn vì nó bao gồm:
1, Hoàng cung
2, Vườn nuôi cấy nấm
3, Vườn nuôi ấu trùng
4, Hệ thống hào giao thông
5, Lỗ thông khí
Ngoài đường mui đắp bằng đất có thể nhìn thấy ở bên ngoài, còn lại toàn bộ vương quốc đều nằm dưới lòng đất. Do đó không dễ dàng gì để phát hiện được chính xác tổ mối và phạm vi lãnh địa của chúng. Tại những nước phát triển để làm được điều này, người ta phải dùng những thiết bị dò tìm phức tạp bằng sóng siêu âm, chất phóng xạ…
5. Xã hội loài mối và sự phân cấp
Giống như con ong và con kiến, xã hội loài mối được phân chia thành các đẳng cấp riêng biệt, có hình thái, chức năng và nhiệm vụ rõ ràng. Đàn mối chỉ tồn tại khi có đủ các thành phần cơ bản sau:
Mối chúa
Mối chúa sinh sản là một cỗ máy đẻ béo ục ịch. Chúng có kích thước to lớn vượt trội so với phần còn lại. Nó sống tại một nơi gọi là hoàng cung và không thể di chuyển, được mối thợ và mối lính hết lòng cung phụng hầu hạ. Công việc hằng ngày của mối chúa là đẻ và đẻ, một con mối chúa trưởng thành có thể đẻ trung bình từ 10.000 – 30.000 trứng/ngày.
Mối lính
Nếu ví tổ mối là hoàng cung có vua chúa thì mối lính chính là những tên thị vệ. Cặp hàm sắc nhọn là vũ khí lợi hại của chúng. Trong tổ, mối lính không nhiều chỉ chiếm khoảng 1/10 cá thể trong tổ. Nhiệm vụ của chúng là canh giữ lãnh địa, luôn luôn xuất hiện ở bất cứ điểm nóng nào nếu có dấu hiệu của sự xâm phạm. Chúng cũng là những tên đao phủ khá lạnh lùng, sẵn sàng “hành quyết” những con mối thợ nếu chúng không tuân lệnh.
Mối thợ
Mối thợ là những tên nông phu cần mẫn làm việc 24/24 giờ, quần quật suốt ngày đêm. Chúng là nguyên nhân chính làm “bốc hơi” hàng loạt vật dụng đồ gỗ trong nhà. Mối thợ là lực lượng đông đảo nhất chiếm khoảng 8/10 tổng số cá thể trong đàn mối. Mối thợ làm đủ các công việc từ khai thác thức ăn, cung phụng mối chúa, chăm nom vườn nấm và chăm sóc mối non.
Mối cánh
Vương quốc có vua, có lính, có thợ rồi đúng không ạ, vậy còn thiếu gì nhỉ. Bất cứ triều đại nào thì nó cũng có tầng lớp kế tục. Chúng không thể là lính, là dân thường được. Mối cánh được hưởng đặc ân là hoàng thân quốc thích, những kẻ mang trong mình dòng máu quý tộc. Đến mùa sinh sản chúng cùng anh em trong tổ vươn mình bay cao đến những chân trời xa xôi để thành lập vương quốc mới.
6. Vòng đời của loài mối
7. Điều kiện sống
Đất, nước, thức ăn và nhiệt độ giữ vai trò quan trọng. Đặc biệt là nước “mối lấy nước suốt ngày đêm” cho thấy tầm quan trọng của nước đối với hệ sinh thái tổ mối. Mối cần nước cho mọi hoạt động hàng ngày, xây đắp công trình, nuối cấy vườn nấm và giữ vai trò điều hòa giúp nhiệt độ trong tổ luôn cân bằng và ổn định. Mối dùng đất trộn với “nước dãi” tạo thành chất keo vững chắc để xây tổ. Các đường mui để tránh kẻ thù. Nhiệt độ càng cao mối càng phát triển và sức ăn càng ghê gớm.
Bài viết liên quan